Ủy ban nhân dân phường Trường Thạnh, Thành phố Thủ Đức đã có nhiều đột phá trong việc xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ tốt việc quản lý, điều hành trong công tác cải cách hành chính, quản lý hồ sơ công việc tại cơ quan, trong đó có công tác quản lý nhà nước về phòng cháy và chữa cháy tại cơ sở quản lý trên địa bàn.

Ngày 30/3/2021, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức ban hành Kế hoạch số 52/KH-UBND về việc Tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và bàn giao danh sách cơ sở theo phân cấp về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ do Ủy ban nhân dân phường quản lý; Ngày 08/4/2021, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định số 136/2020/NĐ-CP và tổ chức bàn giao 56 cơ sở thuộc Phụ lục IV - Nghị định số 136/2020/NĐ-CP về Ủy ban nhân dân phường Trường Thạnh quản lý. Đến nay, địa phương đã cập nhật và lập hồ sơ quản lý hơn 549 cơ sở quản lý. Đồng thời, hàng năm còn rất nhiều cơ sở hình thành mới phải cập nhật hồ sơ, kiểm tra, theo dõi quản lý, tạo một khối lượng lớn hồ sơ công việc cho cán bộ, chiến sĩ ở cơ sở.
Từ cơ sở đó, ngày 16/5/2022, Ủy ban nhân dân phường phối hợp với Đơn vị tư vấn xây dựng phần mềm ứng dụng và tổ chức giới thiệu, tập huấn, hướng dẫn ứng dụng trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành phòng cháy và chữa cháy đối với các cơ sở thuộc danh mục quản lý PCCC trên địa bàn.

Ứng dụng với các tính năng chính:
1. Giúp cho Cấp quản lý (Ủy ban nhân dân– Công an phường): Đưa thông tin tuyên truyền PCCC trên nền tảng ứng dụng máy tính - trang thông tin điện tử, điện thoại thông minh tạo điều kiện để người dân dễ dàng tiếp cận các kiến thức về an toàn PCCC; truyền tải văn bản, biểu mẫu, hồ sơ pháp lý quy định về điều kiện an toàn phòng chống cháy, nổ đến với các cơ sở trên địa bàn một cách sớm nhất.
- Quản lý cơ sở về hồ sơ điều tra cơ bản như thông tin cơ sở, hoạt động PCCC, phương tiện, nguồn nước tại cơ sở, phương án chữa cháy, phiếu chiến thuật chữa cháy, phiếu quản lý cơ sở, biên bản cứu chữa vụ cháy và các báo cáo có liên quan đến vụ cháy (nếu có), giấy chứng nhận thẩm duyệt, văn bản nghiệm thu, biên bản kiểm tra về PCCC, biên bản vi phạm về PCCC và Quyết định xử phạt vi phạm về PCCC, biên bản tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ PCCC, thực tập PACC và CNCH; Thu thập, cập nhật, xây dựng CSDL điện tử về hình ảnh sơ đồ tổng mặt bằng, bản vẽ kiến trúc (mặt bằng, mặt đứng), bản vẽ mặt bằng hệ thống PCCC của các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC; CSDL về lực lượng, phương tiện CC&CNCH của các đơn vị, cơ sở trên địa bàn; CSDL về giao thông, nguồn nước chữa cháy tại cơ sở.

- Quản lý vị trí, nguồn nước chữa cháy, cơ sở quản lý trên địa bàn thông qua Bản đồ số giúp cho nhà quản lý biết được vị trí xảy ra sự cố với nguồn nước chữa cháy gần nhất, kèm theo tình trạng sử dụng của nguồn nước.


- Giúp cho Cấp Quản lý theo dõi, kiểm tra được chế độ báo cáo, kiểm tra, phương án, thực tập tình huống, sự cố, các hoạt động khác của cán bộ giao quyền quản lý, cơ sở quản lý.
- Giúp cho nhà quản lý tương tác trực tiếp với cơ sở, nhận thông tin, phản ánh, trao đổi, hướng dẫn công tác PCCC.

2. Giúp cho Cơ sở theo danh mục quản lý:
- Truy xuất được thông tin tuyên truyền, cập nhật hệ thống văn bản pháp lý liên quan đến PCCC.
- Nộp và quản lý báo cáo kết quả PCCC.
- Cập nhật lại thông tin cơ sở.
- Giúp cho cơ sở tương tác trực tiếp với Cấp quản lý.
Ngoài ra, còn nhiều tính năng khác về yêu cầu thay đổi thông tin, quản trị người dùng, quản lý báo cáo…

Để ứng dụng tốt công nghệ này vào thực tiễn, đồng chí Hồ Ngọc Tùng, Chủ tịch UBND phường – Chủ nhiệm mô hình ứng dụng đề nghị đơn vị tư vấn hoàn chỉnh các tính năng ứng dụng một cách linh hoạt, sớm ra mắt chậm nhất trong tháng 6/2022 và mong muốn Cấp quản lý (các đơn vị thuộc phường) và cấp cơ sở theo danh mục quản lý phải thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin các chức năng quản lý, chức năng kiểm tra, báo cáo, phương án, hồ sơ quản lý; cập nhật thông tin cơ sở, nguồn nước, lực lượng và phương tiện chữa cháy…, làm tốt các nội dung này thì công tác quản lý nhà nước về PCCC tại địa phương sẽ hiệu quả, thuận lợi, kịp thời, chính xác hơn, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy các cơ sở, khu dân cư trên địa bàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại khi có cháy xảy ra./.
