Nhằm thiết thực chào mừng kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2022) và kỷ niệm 61 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Giải phóng Miền Nam (21/4/1961 - 21/4/2022), thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” gắn với chương trình hỗ trợ “Thanh niên khởi nghiệp” vươn lên làm giàu chính đáng, tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh và tạo mối liên kết giữa đoàn viên thanh niên và hội viên nông dân trên địa bàn phường. Hội Nông dân phường Trường Thạnh, Thành phố Thủ Đức phối hợp với Đoàn Thanh niên phường tổ chức chương trình hướng nghiệp kết hợp tham quan thực tế mô hình làm kinh tế giỏi – mô hình trồng rau thủy canh cho đoàn viên, hội viên năm 2022.

Hình ảnh. Đoàn viên, hội viên tham quan mô hình trồng rau thủy canh tại Khu phố Tam Đa, phường Trường Thạnh, Thành phố Thủ Đức.
Đây là hoạt động ý nghĩa, nhằm khích lệ đoàn viên, hội viên tham gia phát triển kinh tế. Ngoài ra, còn góp phần giúp cho đoàn viên, hội viên có sự quan sát, học hỏi và lựa chọn mô hình kinh tế phù hợp để phát triển tại địa phương. Ngoài việc tham quan thực tế, được các anh chị đi trước chia sẻ kinh nghiệm, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình đầu tư sản xuất kinh doanh cũng như tìm nguồn ra cho sản phẩm, các tác động và ảnh hưởng trong thời gian bị dịch bệnh Covid-19, thì các bạn đoàn viên, hội viên còn được trực tiếp trải nghiệm các công việc hàng ngày tại vườn rau như: cho xơ dừa vào các sọt trồng rau, xuống hạt giống, đưa các sọt rau từ 7 đến 10 ngày tuổi lên hệ thống giàn thủy canh, trực tiếp thu hoạch rau và đóng gói thành phẩm…
Khởi nghiệp với mô hình trồng rau thủy canh: mô hình trồng rau thủy canh của anh Trần Trung Hiếu (Hội viên nông dân phường Trường Thạnh - cư ngụ tại số 30 đường 10, Khu phố Tam Đa, phường Trường Thạnh, Thành phố Thủ Đức) được sản xuất trong nhà màng khép kín với diện tích 1.600m2, tránh được các ảnh hưởng từ môi trường bên ngoài và côn trùng. Đồng thời, hệ thống giàn thủy canh cách mặt đất 80cm, không phải tiếp xúc với đất nên hạn chế tối đa các mầm bệnh, sinh vật gây hại đến cây trồng. Do đó, phương pháp không phải sử dụng thuốc trừ sâu hay thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không gây ô nhiễm đến môi trường đất và nước ngầm.

Hình ảnh: anh Trần Trung Hiếu chia sẻ kinh nghiệm cho các bạn đoàn viên, hội viên
Do xuất phát từ niềm đam mê nông nghiệp anh nhận thấy mục tiêu canh tác nông nghiệp an toàn và bền vững là cần thiết về lâu dài. Mô hình trồng rau thủy canh vừa an toàn cho người và môi trường vừa tiết kiệm thời gian và mang lại nhiều tiện ích, tiết kiệm nước và dinh dưỡng, ít tốn công chăm sóc, an toàn do tự chính bản thân anh chăm sóc, nguồn vật liệu đảm bảo từ ngoại nhập, mô hình lại dễ lắp đặt thực hiện.
Chi phí đầu tư cho mô hình này không nhiều mà hiệu quả về năng suất lại hơn hẳn so với phương pháp ươm trồng truyền thống. Bên cạnh đó, mô hình này tiết kiệm được nhiều sức nhân công, hạn chế được việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, an toàn đối với môi trường và con người.
Hiện nay vườn rau của anh Hiếu đang cung cấp cho các chợ và tiểu thương trên địa bàn phường với số lượng 200kg rau mỗi ngày, thu nhập bình quân hàng tháng của vườn rau khoảng 120 triệu đồng/tháng, giải quyết việc làm cho 03 lao động. “Lợi thế của trồng rau thủy canh so với canh tác truyền thống là tiết kiệm được nhân công và lượng nước sử dụng, bảo đảm an toàn, giảm nấm bệnh cho rau và tránh được nhiễm kim loại nặng trong đất. Chất lượng rau trồng ra cũng cao hơn so với phương thức truyền thống, giá thành rẻ”.

Hình ảnh: Các bạn đoàn viên, hội viên trải nghiệm công việc hàng ngày của vườn rau
Chia sẻ về quy trình trồng rau thủy canh, anh Hiếu lưu ý mức dinh dưỡng, điều kiện sinh trưởng phải được điều chỉnh phù hợp theo từng loại rau. Người trồng có thể có thể sử dụng mút hoặc xơ dừa làm môi trường cho rau phát triển.
Với những ưu điểm trên, phương thức trồng rau thủy canh có tiềm năng được nhân rộng, không chỉ đem lại thu nhập tốt hơn cho người nông dân mà còn đảm bảo nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng và góp phần đảm bảo chất lượng môi trường.

- Trong thời gian qua, Hội Nông dân phường cũng như Đoàn Thanh niên phường đã có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả giúp đoàn viên, hội viên, thanh niên lập thân, lập nghiệp như: hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, quỹ Hỗ trợ nông dân; tổ chức các lớp bồi dưỡng, tham quan tìm hiểu các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả; tư vấn hướng nghiệp, dạy nghề, giải quyết việc làm... Đồng thời, vận động đoàn viên, hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sao cho phù hợp với thực tiễn của địa phương; khuyến khích các đoàn viên, hội viên tham gia học tập, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tham gia xây dựng các mô hình phát triển kinh tế do đoàn viên, hội viên làm chủ. Từ đó, đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế của đoàn viên, hội viên với thu nhập ổn định, tạo việc làm cho nhiều lao động tại chỗ.

(Nguồn tin: Hội Nông dân phường Trường Thạnh)